Chim Việt Cành Nam       [   Trở Về   ]         [ Trang chủ ]                 [ Tác giả ]


 
Bài Thánh Ca Kỳ Diệu

(Dedicated to the one I admire and respect. 
Xmas 2010)

Việt Hải
Mùa Giáng Sinh năm nay đã vắng bóng một số cây bút, những nhà văn tại hải ngoại, trong số những vị mất mát tôi muốn ghi nhận đôi dòng về Linh mục André Trần Cao Tường. Trong cuộc sống này có sinh có tử, nhà văn trẻ Diệp Minh Nguyệt của Văn Đàn Đồng Tâm (VĐĐT) cho biết cô rất buồn mỗi khi được tin các nhà văn, những nhà văn hóa bị bệnh hoạn hay phải ra đi, ví dụ như trường hợp của GS học giả Lê Hữu Mục, một vị cố vấn cho VĐĐT, là nhà nghiên cứu văn chương, ngữ học uyên bác đặc biệt về lãnh vực Hán Nôm, thầy bị 3 lần tai biến mạch máu não, loại khá nặng, nhưng nhờ ơn trên  thầy Mục đã vượt qua khỏi. Ngược lại, Lm. Trần Cao Tường, một nhà văn, học giả uyên thâm, nhà văn hóa tận tụy với văn học và với giới trẻ trong sự kính trọng của tôi, chẳng may qua đời về chứng bệnh mà tôi đã từng tâm sự với ngài là tôi khổ sở vì stroke, do vậy nên không muốn ai bị chứng bệnh ác nghiệt này. Nhưng rồi thực tế đã xảy ra trái ước muốn của tôi.


Lm. André Trần Cao Tường

Hôm tôi ở San Jose chuẩn bị bay sang Houston thì nhà văn Quyên Di email cho biết là Lm. Tường đã ra đi, tôi bàng hoàng, buồn bã, tôi hứa lòng sẽ thực hiện mẫu phân ưu cùng với các bằng bè văn chương chia buồn một cái tang đau buồn thêm cho văn học. Tôi quen ngài nhân dịp nhà văn Trần Trung Đạo ra mắt sách ở Houston; Lần khác là VĐĐT ra mắt sách cũng ở Houston. Tôi và ngài có trao đổi email trước đó khi tôi vào site Dũng Lạc xem các bài ngài viết, tôi rất thích cách viết của ngài, như các bài về văn chương tổng quát hay triết lý. Sau 2 kỳ ra mắt sách này, của Đạo và của VĐĐT, anh Tạ Xuân Thạc, văn đàn trưởng VĐĐT, kể tôi nghe thêm về ngài như cá tính vui vẽ và thân mật. Sau đó tôi gọi điện thoại khi đọc xong các bài văn mới của ngài, cũng như GS. Mục có sang thăm ngài tại Louisiana, trong email Linh mục gửi hình cho tôi xem. tôi bàn về những bài viết của ngài, tác phẩm  Suối Nguồn Tình Yêu, ngài viết về tình yêu trong cuộc sống, quan niệm sống chết theo Thiên Chúa, sự cứu rỗi linh hồn, cơn mê say tình ái hay tiếng sét ái tình, những thực tế mà con người vẫn đối diện. Linh mục giải thích những điễm ngài viết, bên triết lý Phật giáo cũng đề cập nhiều về quan niệm sống chết. Những trao đổi với ngài khiến cho sự liên hệ giữa chúng tôi thân thiện hơn. Rồi ngài đề nghị tôi gọi là "anh, em" cho thân mật. Tôi tỏ ra ngại ngùng, về sau này ngài nhắc thêm qua 2 email, rồi nói đùa nếu tôi không nghĩ là ngài "già nua", tôi cười đề nghị lại tôi chỉ kêu trong email thôi, ngài sẽ là "hiền huynh", sau đó ngài gọi tôi là "hiền đệ". Ngài cho biết ngài mến Trần Trung Đạo và tôi, ngài biết cả hai chúng tôi là phật tử, nhưng ngài không thấy sự cách biệt tôn giáo với hai chúng tôi. Tôi cảm mến và cám ơn ngài cho tôi những cảm nghĩ tốt đẹp như vậy. Ngài nhờ tôi móc nối sự liên lạc với cư sĩ Lại Như Bằng bên Paris, chủ nhân website văn học Chim Việt Cành Nam, để trao đổi bài vở giữa hai website, mỗi hằng tháng anh Lại Như Bằng thường thả bài mới vào diễn đàn Tình Nghệ Sĩ, nơi chúng tôi sinh hoạt văn học, âm nhạc. Cả hai Linh mục Trần Cao Tường và cư sĩ Lại Như Bằng đều cởi mở và yêu mến văn học, và cả hai đều là hội viên trong diễn đàn Tình Nghệ Sĩ. 

Tôi và Linh mục Tường có nói chuyện về các nhà thơ, nhà văn trong và ngoài biên cương Dũng Lạc, VĐĐT cũng như trong diễn đàn Tình Nghệ Sĩ, như Lm. Kim Định, Doãn Quốc Sỹ, Lê Hữu Mục, Mạc Giao, Quyên Di, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Văn Thành, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Vy Khanh, Nguyễn Quý Đại, Nguyễn Dư, Nguyễn Văn Lục, Đàm Trung Pháp, Đàm Trung Phán, Du Tử Lê, Trà Lũ, Trần Trung Đạo,… 

Linh mục Tường thuờng nhắc về hai thân hữu Trần Trung Đạo và Quyên Di. Với Trần Trung Đạo thì ngài và Đạo có nhiều kỳ niệm khi đi diễn thuyết về văn học đó đây, hay nói chuyện với tuổi trẻ. Với nhà văn Quyên Di ngài kể khi mới sang cả hai cật lực viết văn xây dựng Tủ sách Dũng Lạc, có nhiều kỷ niệm vui chung, nhưng sau này anh Quyên Di dời đô về vùng Nam Cali. Ngày Linh mục Trần Cao Tường ra đi, nhà văn Quyên Di gửi tôi bài thơ tiễn bạn hiền như sau:

"Như vầng mây trắng
Bay bổng tuyệt vời
Như là tia nắng
Về với Mặt Trời.
 *
Vẫy chào cõi thế
Lòng nhẹ như tơ
Kiếp người nhỏ bé
Như một vần thơ.
 *
Người là ống sáo
Chúa thổi hơi vào
Nhạc vàng huyền ảo
Vươn mãi lên cao.
 *
Nhạc vẳng về nguồn
Hồn nương theo nhạc
Như một giọt sương
Lung linh bàng bạc.
 *
Đôi tay mở ra
Là niềm hoan lạc
Lạy Chúa là Cha
Nhận lòng thơm ngát.
 *
Chào nhé vầng mây
Về trời lồng lộng
Ơn thánh tràn đầy
Cho tròn giấc mộng". 

Tưởng niệm bạn tôi, linh mục André Trần Cao Tường

Quyên Di
Nov. 21, 2010"

Riêng nhà văn Trần Trung Đạo thì viết bài văn kỷ niệm tiễn đưa thật cảm động, bài "Linh mục Trần Cao Tường, từ đồi Massada đến bờ sông Hát", xin tham khảo qua link : http://www.trantrungdao.com/?p=1343

Tôi xem lại bản tin trên Việt Báo của anh chị Nhã Ca và Trần Dạ Từ ghi nhận: 

"Giám Đốc Mạng Lưới Dũng Lạc LM Trần Cao Tường Từ Trần
Việt Báo Thứ Ba, 11/23/2010, Cha André Dũng Lạc Trần Cao Tường, Giám đốc Mạng Lưới Dũng Lạc, đã từ trần, theo bản tin gửi từ Mạng Lưới này.
Linh mục Trần Cao Tường đã nổi tiếng với nhiều tác phẩm trong nhiều thể loại -- tùy bút, bút ký, tiểu luận, nhiếp ảnh... Các bài viết của Linh mục Trần Cao Tường từ nhiều năm nay đã xuất hiện trên nhiều trang mạng, không chỉ của Công Giáo mà còn của những người quan tâm về văn học. Ngôn phong của Linh Mục thuần túy Công Giaó, nhưng dễ thâm cảm với cả những người thuộc các truyền thống khác vì đặc tính thơ mộng, lân mẫn, và nhân bản. Các tác phẩm nhiếp ảnh của Linh mục Trần Cao Tường cũng có ngôn ngữ riêng, cho dù chỉ là một cây xương rồng ngoaì sa mạc, vẫn là một khát vọng đi tìm đối thoại với cõi vô cùng. Thế giới sáng tạo của Linh mục là một thế giới đầy thơ mộng, khó tìm gặp trong cõi thế gian phức tạp này.
Bản tin hôm Thứ Hai nói rằng:
"Trong niềm tin vào Tình Yêu Nhân Hậu của Cha Trên Trời và được Thần Khí Yêu Thương của Cha nâng đỡ, chúng tôi xin báo tin đến các bạn hữu:
Cha André Dũng Lạc Trần Cao Tường, Giám đốc Mạng Lưới Dũng Lạc, đã về nhà Chúa vào lúc 11:56 A.M. ngày Chúa Nhật 21.11.2010.
Chúng ta phó thác Cha Tường trong Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu. Nguyện xin Chúa Từ Nhân ban cho Linh hồn Cha André Dũng Lạc Trần Cao Tường được an nghỉ muôn đời trong Nước Hằng Sống."..."

Linh mục Trần Cao Tường có nhiều kỷ niệm với nhà thơ Du Tử Lê, trong tác phẩm Nhịp Múa Sông Thanh, ngài nhờ nhà thơ Du Tử Lê ghi lời Tựa cho sách như sau:

"CON ĐƯỜNG TRẦN CAO TƯỜNG
Tôi là kẻ ngoại giáo. Đề cập tới điều không cần thiết này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh: lòng say mê, thích thú của tôi, khi được đọc những tác phẩm, đúng hơn, những bài viết ngắn của Linh Mục Trần Cao Tường trên báo hoặc; trong những tác phẩm như "Đường Nở Hoa Lê Thị Thành,"  hay "Vũ Khúc Thăng Ca/Tin Vui Thời Điểm Năm 2000,"...., của ông. 
Tôi là kẻ ngoại giáo. Đề cập tới điều không cần thiết này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh: lòng biết ơn của tôi, khi tình cờ, đọc được đâu đó, lời khẳng định của ông: kẻ nào không yêu quê hương, nguồn cội của mình, kẻ đó, cũng sẽ không yêu Thiên Chúa.
Quan điểm hay, cảm nghiệm này, của Linh mục Trần Cao Tường, đã thốn thấu tâm can tôi. 
Quan điểm hay cảm nghiệm này, của Linh mục Trần Cao Tường, tôi đã tìm thấy, đã gặp lại bàng bạc hoặc, hiển lộ trong từng trang sách, từng con chữ mang tên ông. 
Quan điểm hay cảm nghiệm này, của Linh mục Trần Cao Tường, một lần nữa, qua tác phẩm "Nhịp Múa Sông Thanh/Tin Vui Thời Điểm 2000" lại dấy động trong tôi những cơn địa chấn gốc, nguồn, có lại..." 

Đoạn cuối bài ghi nhận:
"Con đường đó, "Con Đường Trần Cao Tường," trên tất cả, với riêng tôi, chính là chiếc cầu nối tôi, kẻ ngoại giáo, về với niềm tin Thiên Chúa.
Nếu phải (hay được phép) viết một câu ngắn ngủi nhất, ở đây, trên trang giấy này, tôi sẽ viết: 
"Thưa Cha, thay vì ngỏ lời cảm ơn những trang sách hôm qua, hôm nay, ngày mai... của Cha; thì, tôi chỉ xin Cha luôn nhớ rằng:

'Chúng tôi hãnh diện và, sung sướng biết bao, khi có Cha: 
Một Người Việt Nam', như (và, giữa) chúng tôi, nơi đất khách. 

Du Tử Lê
(June 1999)"

Trong website dutule.com chia buồn và cho đăng bài thơ "Tiễn Biệt Cha Anrê Dũng Lạc Trần Cao Tường" của Linh mục Trăng Thập Tự, viết tại Qui Nhơn, ngày 22 tháng 11: 

Tiễn Biệt Cha Anrê Dũng Lạc Trần Cao Tường
 

"Thêm một người hẹn ta
Bên kia đồi thập giá
Thêm một người vụt xa 
Chợt trở thành gần quá.

Từ nửa vòng trái đất
Mới thì thầm gọi tên
Vừa hay tin xa khuất
Bỗng thấy gần ngay bên.

Giờ này anh đã lên
Tận đỉnh cao cuộc trần
Mách cho đời cùng biết
Chính nguồn mạch Thánh Thần.

Một đời lặng lẽ gieo
Miệt mài công vun xới
Từ cao xin dõi theo
Lúa vàng mùa gặt mới.

Xin cùng vươn theo nhau
Càng lên càng tụ hội
Theo nước cuộn về sâu
Hiệp nhất nơi nguồn cội.

Vẫy tay vời cánh hạc
Hẹn bên hồ Phục Sinh
Nghe câu hò Dũng Lạc
Hát khúc ca biến hình."

Qui Nhơn, 22-11-2010
Lm. Trăng Thập Tự


Như đã nói, Linh Mục Trần Cao Tường viết nhiều tác phẩm được phổ biến trên báo chi và nhiều trang mạng. Ngoài những tác phẩm chủ đề tôn giáo, tâm linh, triết lý, ngài viết rất nhiều bài viết ngắn dưới hình thức tạp ghi, nhận định vấn đề hay tác phẩm. Chủ đề đa dạng, từ văn học, y khoa, tâm linh, khoa học, thời sự,... Một số bài trong nhiều bài viết của Lm. Trần Cao Tường tôi xin đan cử như sau: 

Thời Điểm Đợt Sóng Thứ Ba, Thời điểm mẫu đàn ông thu hút nhất, Vũ khúc đánh giầy, Thời điểm nụ cười Mona Lisa và con số 13 may mắn, Thời điểm đi xem mắt họa sĩ Vincent van Gogh: Bức tranh mắc tiền nhất thế giới, Công Án Thiền Trong Thơ Du Tử Lê, Tìm thấy nhiều mỏ vàng ở Nam Phi, Điệu Múa Trên Ao Vàng - On Golden Pond, Điệu Múa Của Ong Trong Đường Tu Đức Việt, Cô Gái Kéo Mặt Trời Lên Được, Thế Võ Trống Tay, Thế Luyện Lực của Tây Tạng, Từ điệu nhạc Jazz đến nhịp sống vuông tròn, Từ Phương Pháp Khai Huyệt Đan Điền Tới Phép Thần Điện, Thời điểm cái ấm nước của triết gia Kim Định, Thời điểm đàn sâu rước kiệu, Hiện tượng Bé Akiane và Hàn Mặc Tử ọc ra thơ từ cùng một nguồn ánh sáng, Những huyền bí bên kia cõi chết qua hiện tượng Hàn Mặc Tử, Bí mật sức sáng tác bùng phát của cô bé Akiane, Điệu múa vào xuân, Con mắt luôn kinh ngạc của một người Mẹ, Bản thánh ca kỳ lạ,... 

Phải nói là sức sáng tác của Cha Tường thật phong phú, tôi đùa với ngài mỗi khi ghé vào site đọc không kịp bài mới. Ngài thích chủ đề về nhà thơ Hàn Mặc Tử, khi ngài ngỏ ý đưa bài viết Hàn Mặc Tử của tôi viết vào site Dũng Lạc, tôi cho ngài biết thật là một hân hạnh cho tôi, ngài còn thông báo sẽ chia đất cắm dùi cho tôi vào khu vực văn học nghệ thuật trong site Dũng Lạc, tôi cám ơn ngài, những cảm tình ngài đã dành cho tôi thật là trân quý.

Ngày Giáng sinh đang về, tôi đọc lại bài viết của ngài, Bản Thánh Ca Kỳ Lạ (Khúc Sáo Ân Tình), chút gì xúc động khi nhớ giọng lại nói của ngài trong điện thoại viễn liên. Bao năm quen biết ngài chỉ qua email và điện thoại, chứ tôi chưa bao giờ được gặp mặt ngài ở ngoài đời, khác với hai anh Quyên Di và Trần Trung Đạo có kỷ niệm thật sự với ngài ở ngoài đời.

Bản Thánh Ca Kỳ Lạ là bài viết về nguồn gốc bài nhạc Giáng Sinh nổi tiếng, tên Đức ngữ là "Stille Nacht", hay tên Anh ngữ là "Silent Night", tức Đêm An Bình qua tên Việt ngữ mà ngài dùng. Silent Night là ca khúc giáng sinh truyền thống. Nhạc được ưa chuộng, phổ biến nhanh chóng, lan truyền đi khắp nơi, Đêm An Bình hay tựa phổ thông qua lời Việt là "Đêm Thánh Vô Cùng"; Tưởng cũng nên ghi nhận lời ca Việt của nhạc sĩ Hùng Lân. Stille Nacht đã được dịch thành hàng trăm thứ tiếng và được cất lên hàng triệu triệu lần vào những dịp lễ cuối năm trên hoàn vũ..

Nguyên thủy bài Stille Nacht được hợp soạn bởi nhạc sĩ Franz Gruber (một danh thủ đàn phong cầm, quê quán tại Salzburg, cùng quê với Mozart, Áo quốc) và linh mục Josef Mohr (người Áo, vốn có tâm hồn đam mê văn chương và âm nhạc) đồng sáng tác. Franz Gruber lo phần phổ nhạc, Cha Josef Mohr làm lời thơ cho bài hát trứ danh này. Phải nói là bài nhạc ra đời ở hoàn cảnh rất tình cờ và kỳ diệu. Cha Mohr ở tuổi trẻ, rất nghệ sĩ tính, phóng khoáng và cỡi mở. Mùa Lễ Giáng Sinh năm 1818 Cha Mohr thật sự lo lắng, vì cha sở đã già và lâm bệnh nặng, nên trao hết mọi công việc lại, từ việc giải tội đến làm lễ hát trọng thể vào nửa đêm Giáng Sinh. Điều làm cha Mohr hoảng sợ nữa là đàn nhà thờ bị chuột gặm hư nặng và lại không kiếm được người sửa chữa.

Buổi chiều để chuẩn bị cho Lễ Nửa Đêm, Cha Mohr ngồi dọn bài giảng mà chẳng ra một ý nào cả! Bỗng có tiếng gõ cửa, có người muốn gặp cha vì có chuyện khẩn cấp. Cha Mohr tỏ ra khó chịu. Giờ tối thế này mà còn có người quấy rầy. Nhưng rồi cha bình tĩnh ngay, vì có chuyện cần thiết phải giúp đỡ gấp: một đứa bé vừa sinh non cần cha đến rửa tội ngay vì bé trong tình trạng khó sống.

Khí hậu miền Bayern vào mùa lễ lại lạnh cóng. Cha Mohr vội vã lội tuyết ra đi, mãi khi tới một nơi hẻo lánh, rồi cha bước vào trong một túp lều xơ xác thiếu thốn đủ thứ, cha Mohr thấy một cảnh tượng thật xúc động là đứa bé đang ngoi ngóp trong cái nôi nhỏ gần lò sưởi bên cạnh người mẹ xanh xao yếu ớt và người cha loay hoay hoang mang chưa biết phải làm gì nữa. Nhưng có điều rất lạ là cả căn phòng nghèo nàn toát ra một hơi ấm, nét mặt cả hai vợ chồng rất tin tưởng vào sự an bình khi cha Mohr đến, đang khi ở ngoài trời tuyết lạnh rơi xối xả. Cảnh giáng sinh đây rồi. Tình yêu giáng sinh tạo nên nét thiêng liêng, tình yêu khi đêm dông về để Người trên cao giáng trần đang hiện hình. Cha Mohr cảm nhận mọi xung khắc, mọi khó khăn, mọi trở ngại được hóa giải, mọi cảnh vật xung quanh bổng trầm lắng lại để hợp thành một nhạc khúc êm dịu, mọi âu lo được biến thành phút thanh thản, niềm hạnh phúc đã đến.

Khi đã làm xong nhiệm vụ, Cha Mohr lại lội tuyết trở về nhà thờ, nhưng tâm hồn rạng lên niềm an vui đầy hứng khởi cho bản nhạc, khi hồn nhạc dâng cao giữa đêm khuya, thay vì về thẳng nhà thờ, Cha Mohr đã tìm tới nhà Franz Gruber ở Arndorf cách nhà thờ hai dặm, và cho biết mình đang rộn lên những hình ảnh và ý tưởng tuyệt vời cần phải viết ra ngay. Thế là sau đó lời của bài hát kỳ lạ Stille Nacht được viết xong, và Franz Gruber phổ nhạc một cách nhanh chóng ngay hôm đó, xong một cách dễ dàng, vì lời thơ tự nó đã dâng niềm rung cảm tạo nên những nốt nhạc đầy hứng khởi. 
Thế là bản Đêm An Bình (Stille Nacht) lần đầu tiên được hát lên với đàn guitar vào lễ Nửa Đêm Giáng Sinh tại nhà thờ thánh Nicola ở một làng quê nhỏ bé Oberndorf. Cảm động hơn nữa, chính cha chủ tế Josef Mohr và Franz Gruber hát câu riêng trong phần cầu nguyện sau khi rước lễ.

Và đó là gốc tích của bài Stille Nacht hay Silent Night, mà Cha André Tường nhắn gửi nhân mùa Giáng Sinh.

Sau cùng, Lm. Trần Cao Tường viết lại chuyện kỳ diệu này; Một chuyện vui có kết cuộc đầy hạnh phúc cho dịp Lễ Giáng Sinh, ẩn ý của Bản Thánh Ca Kỳ Lạ. Nhưng năm nay lại là năm đầu tiên kể từ khi ngài ra đi. Trong tâm tưởng nhớ đến ngài nhân dịp Noël 2010, Việt Hải xin kính gửi đến Cha André Trần Cao Tường bài hát Silent Night, theo tinh thần của bài viết "Bản Thánh Ca Kỳ Lạ".

"Silent night, holy night!
All is calm, all is bright.
Round yon Virgin, Mother and Child.
Holy infant so tender and mild,
Sleep in heavenly peace,
Sleep in heavenly peace.

Silent night, holy night!
Shepherds quake at the sight.
Glories stream from heaven afar
Heavenly hosts sing Alleluia,
Christ the Savior is born!
Christ the Savior is born.

Silent night, holy night!
Son of God love's pure light.
Radiant beams from Thy holy face
With dawn of redeeming grace,
Jesus Lord, at Thy birth.
Jesus Lord, at Thy birth"

http://mp3.zing.vn/mp3/nghe-bai-hat/Silent-Night-Charlotte-Church.IWZFCAO6.html
 

Kính chúc Cha bình yên ở trên cao.
Trần Việt Hải